LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

DIỄN BIẾN SỐ LƯỢNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐƯỢC THÀNH LẬP THEO CÁC NĂM

NHỮNG BƯỚC KHỞI ĐẦU GIAN NAN

Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (nay là KCN Biên Hòa 1) được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Tháng 6 năm 1961, Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn thành lập Uỷ ban nghiên cứu thuộc Trung tâm khuếch trương kỹ nghệ (Sonadezi – viết tắt: Sociéte national pour le développement des zône industrielles) chủ trương xây dựng một khu công nghiệp ở Biên Hoà. Khu kỹ nghệ Biên Hoà được thành lập theo sắc lệnh số 49/KT ngày 21 tháng 5 năm 1963. Địa điểm được chọn xây dựng trên diện tích 376/520 héc ta tại xã Tam Hiệp, xã Long Bình của Biên Hoà. Trên địa điểm này, đã có nhà máy giấy Cogido (thành lập năm 1959).

Tuy nhiên phải đến ngày 29-12-1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, tạo nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài, một vấn đề rất mới mẻ ở thời điểm đó, trong bối cảnh nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp còn đè nặng. Ba năm sau đó (1988 - 1990), vốn FDI vào Việt Nam khá dè dặt, mỗi năm chỉ thu hút vài ba trăm triệu USD.

Năm 1992, các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn chứng khoán Nomura (Nhật Bản) đã sang Việt Nam tìm hiểu chính sách đầu tư vào KCN. Nắm được cơ hội vàng đó, đích thân ông Đào An, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng lúc bấy giờ, thông qua GS, TS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đã mời gọi Nomura về đầu tư KCN ở Hải Phòng. Sau quá trình khảo sát, đối tác Nhật Bản đã “khoanh” 153 ha ruộng ven quốc lộ 5, thuộc địa phận xã An Hưng, huyện An Hải (nay là huyện An Dương), cách trung tâm TP Hải Phòng 10 km, thuận lợi cả về giao thông đường bộ và đường thủy, liên doanh với Hải Phòng thành lập Công ty Phát triển KCN Nomura - Hải Phòng (NHIZ), tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD để xây dựng KCN đầu tiên của cả nước tính từ thời kỳ Đổi Mới.

Khi khởi công, đối tác liên doanh Nhật Bản cam kết xây dựng một KCN kiểu mẫu không chỉ của Hải Phòng, mà còn cả Việt Nam. Với tiềm lực mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn, các dịch vụ, tiện ích của KCN đã hoàn chỉnh đồng bộ, từ đường giao thông, cấp nước, thông tin, y tế, đến hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp vi sinh, thậm chí chủ đầu tư còn xây dựng cả một nhà máy điện độc lập trong KCN, công suất tới 55 MW,... Nhiều năm sau, KCN Nomura vẫn giữ vị trí “quán quân” nếu xét về sự đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, giá cho thuê đất đương nhiên đắt đỏ, đối tác Nhật Bản lại quá khắt khe lựa chọn nhà đầu tư với định hướng ưu tiên các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, vì thế nhiều doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu, đầu tư tại KCN Nomura đều bị “bật ra”.

Trong mười năm đầu, chịu tác động của khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á, Nomura trầy trật mãi vẫn không thể lấp đầy 50% diện tích, khiến NHIZ hết sức khó khăn. Về sau, bị cạnh tranh gay gắt bởi “phong trào” xây dựng KCN ồ ạt ở các địa phương, Nomura đành chấp nhận cho các DN vốn mỏng vào đầu tư sản xuất. Tỷ lệ lấp đầy được cải thiện, nhưng tiêu chí “kiểu mẫu” định hướng ban đầu đã không còn trọn vẹn. Nhìn nhận lại cả quá trình trước đó, Nomura đã bỏ lỡ cơ hội thu hút DN có tiềm năng hơn hẳn một số đơn vị đầu tư tại đây. Hiện KCN Nomura đã lấp đầy 100%, tỷ suất đầu tư bình quân rất cao (khoảng 7 triệu USD/ha), tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động,... nhưng theo tiết lộ của một cán bộ Ban Quản lý KKT Hải Phòng, xét về hiệu quả kinh tế, liên doanh này vẫn đang phải oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế từ ngày đầu thành lập, đến nay chưa phát sinh lợi nhuận.

BỨT TỐC MẠNH MẼ

Một thời, các KCN ở Hải Phòng xây xong rồi lâm vào cảnh đìu hiu, hàng chục năm ròng ven các trục lộ chính, như những cái gai chọc vào mắt nhức nhối. Dù địa thế thuận lợi, có cảng biển, sân bay, đường lớn, cả sự mời chào nhiệt thành của lãnh đạo thành phố, nhưng nhà đầu tư cứ đến rồi lặng lẽ đi không trở lại. So với những ngày chật vật đi trước mở đường, giờ đây Hải Phòng đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng Phạm Văn Mợi tự hào: TP Hải Phòng đang trở thành trung tâm công nghiệp nhờ sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới cũng như trong nước, cùng sự cải thiện đáng kể hạ tầng và dịch vụ hậu cần.

Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đã đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, chiếm hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, hằng năm nộp ngân sách hàng trăm triệu USD cùng hàng trăm tỷ đồng; năm 2018, nộp ngân sách FDI đạt 190 triệu USD và trong nước 1.535 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 140 nghìn lao động trong khu vực, với mức thu nhập trung bình bảy đến mười triệu đồng/ tháng. Năm 2016, Hải Phòng đứng đầu cả nước về thu hút FDI (đạt 2,88 tỷ USD). Lũy kế đến nay, các KCN, KKT Hải Phòng đã thu hút 352 dự án FDI, tổng vốn đạt 14,8 tỷ USD; 155 dự án trong nước, tổng vốn khoảng 148 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư trong nước tăng mạnh đã góp phần thay đổi cơ cấu đầu tư trong nước và vốn FDI.

Nổi bật trong KKT Đình Vũ - Cát Hải là Tổ hợp nhà máy sản xuất ô-tô, xe máy điện Vinfast (Tập đoàn Vingroup), quy mô 345 ha, vốn đầu tư đăng ký 70.337 tỷ đồng. Giữa tháng 6 vừa qua, nhà máy đã đạt kỷ lục trong ngành sản xuất ô-tô trên thế giới khi bước vào hoạt động chỉ sau 21 tháng khởi công, biến vùng đầm lầy ven biển thành một tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh, đầy đủ các xưởng thân vỏ, dập, sơn, động cơ, phụ trợ và lắp ráp, chứ không đơn thuần là một cơ sở lắp ráp CKD nhỏ lẻ. Khi hoạt động ổn định, Vinfast sẽ tuyển dụng 5.000 cán bộ, nhân viên, đủ khả năng sản xuất 250 nghìn xe ô-tô và 250 nghìn xe máy điện mỗi năm. Kỹ sư Nguyễn Công Linh, nhân viên vận hành đưa chúng tôi đến xưởng hàn thân vỏ, quy mô 100 nghìn mét vuông, được trang bị khoảng 1.200 rô-bốt do Tập đoàn ABB (Thụy Sĩ) sản xuất, công suất 38 xe/giờ. Theo lời anh, xưởng hàn thân xe ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 ở các phạm vi khác nhau, từ giám sát trang thiết bị, tối ưu hóa quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đến quản lý dự phòng, bảo trì dây chuyền sản xuất theo kỹ thuật số, có tính linh hoạt cao khi thay đổi dòng sản phẩm.

Ở phía Nam, hai tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương cũng là những “miền đất hứa” về phát triển KCN. Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho hay, tỉnh có lợi thế tự nhiên vượt trội so các địa phương khác, khi ít xảy ra lụt bão, thiên tai. Nằm kề TP Hồ Chí Minh, giáp sân bay Tân Sơn Nhất, có mạng lưới quốc lộ, cao tốc hoàn chỉnh đi qua và gần cảng biển quốc tế lớn, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ở Đồng Nai hết sức thuận lợi. Vì lẽ đó, KCN luôn “tăng trưởng nóng”, 31 trong số 32 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Các KCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đồng Nai từ nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp (năm 1990) theo tỷ lệ 50 - 30 - 20 chuyển sang cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (năm 2018) theo tỷ lệ 57 - 37 - 6.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định: Không yếu tố nào khác ngoài KCN đã góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong bốn địa phương đứng đầu cả nước về đóng góp ngân sách T.Ư. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, đã có 190 dự án FDI tiếp tục “rót” vào Đồng Nai 1,46 tỷ USD, trong đó có 93 dự án cấp mới với số vốn 800 triệu USD và 97 dự án điều chỉnh với số vốn tăng thêm gần 670 triệu USD. Đáng chú ý, đây đều là các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thân thiện môi trường và sử dụng lao động lành nghề. Lũy kế đến nay, tỉnh có gần 2.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, trong đó, gần 1.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 29,8 tỷ USD.

Bình Dương hiện giữ vị trí thứ ba cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút FDI. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thanh Trúc, trong chín tháng đầu năm, đã có gần 2,1 tỷ USD “đổ” vào các KCN. Tính chung đến nay, 29 KCN trong tỉnh đã thu hút hơn 2.300 dự án với tổng vốn đầu tư 22,7 tỷ USD, chiếm 68% tổng vốn FDI trên toàn tỉnh. Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Dương sẽ có thêm năm KCN nữa với quy mô gần 2.050 ha, nâng tổng diện tích KCN toàn tỉnh lên gần 14.500 ha. Các KCN tại Bình Dương đã tạo đòn bẩy, giúp những miền quê còn nghèo khó xưa kia “cất cánh”.

Bàu Bàng - một huyện thuần nông khó khăn nằm giáp huyện Chơn Thành (Bình Phước), sau chủ trương chuyển hướng phát triển KCN lên phía bắc của tỉnh đã vươn dậy phát triển mạnh mẽ. KCN Bàu Bàng đã thu hút 155 dự án FDI với vốn đăng ký gần 3,1 tỷ USD, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện trong chín tháng đầu năm đạt 12.400 tỷ đồng. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Chí nhớ lại: Bàu Bàng thời chiến tranh bị tàn phá nặng nề, tuy là vùng thuần nông nhưng đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tưởng chừng kinh tế không thể khá lên nổi. Khi tỉnh có chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc, lập tức thương mại, dịch vụ khởi sắc, quê nghèo biến thành phố thị, người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Bình Dương còn đang tham vọng xây dựng tại Bàu Bàng một KCN quy mô 900 ha riêng về khoa học công nghệ cho các DN có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, nhằm thu hút được đội ngũ lao động “cổ cồn”.

Có thể khẳng định, việc hình thành và phát triển KCN, KKT là hướng đi chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong kêu gọi, thu hút vốn FDI, thật sự trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Sau 25 năm, các KCN, KKT vẫn là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư và được đánh giá là mô hình ưu việt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Những khởi sắc rõ nét của kinh tế - xã hội nước ta trong công cuộc đổi mới đều có dấu ấn đậm nét của sự phát triển các KCN, KKT là một thực tiễn không thể phủ nhận.

PHÁT TRIỂN Ồ ẠT, THIẾU ĐỊNH HƯỚNG

DIỄN BIẾN TỔNG DIỆN TÍCH (HA) CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ĐƯỢC THÀNH LẬP THEO CÁC NĂM

Một thời, nhiều địa phương có "hội chứng" đua nhau làm khu công nghiệp (KCN), kể cả những nơi còn thiếu thốn các điều kiện tối thiểu. Hàng nghìn héc-ta đất lúa bờ xôi ruộng mật bị thu hẹp, nhường chỗ cho các KCN mọc lên tràn lan. Những con số đồ sộ, hào nhoáng về thu hút vốn ở nhiều địa phương đôi khi chỉ có tác dụng trang trí cho bản báo cáo tổng kết. Ðể cạnh tranh đầu tư, một số tỉnh đã "xé rào", ban hành nhiều chính sách trải thảm đỏ ưu đãi bằng mọi giá, gây tác động tiêu cực cho người dân và làm bóp méo nền kinh tế quốc gia.

Lãng phí tài nguyên đất đai

Trong khoảng 5 năm đầu phát triển (1992-1997), cả nước có khoảng 40 KCN, sau khi Nghị định 36/CP ban hành ngày 24-4-1997 của chính phủ về Quy chế KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đã xuất hiện "phong trào" làm KCN ở các tỉnh, thành phố. Sự thuyết trình các dự án KCN bằng áp lực hành chính và con số tưởng tượng ra đã lấn át những thửa đất bờ xôi, ruộng mật của người dân. Ðến cuối năm 1997, cả nước có gần 100 KCN được thành lập, bất chấp cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, yêu cầu các địa phương cần cân nhắc kỹ khi thành lập các KCN mới có quy mô lớn, làm rõ việc thực hiện thu hút đầu tư, khi đã cho thuê lại được ít nhất 50% tổng diện tích đất trong các KCN cũ thì mới thành lập KCN mới.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp, dịch vụ là bài toán có nhiều đáp án, cả những ẩn số không thể không quan tâm. Về tương lai lâu dài, 1 ha đất công nghiệp với công nghệ trung bình, không hiệu quả bằng sản xuất nông nghiệp với công nghệ trên trung bình. Các KCN mọc lên ở hầu khắp các địa phương, hệ quả để lại là ô nhiễm môi trường và hàng trăm dự án "treo" gây khốn khó về sinh kế cho nông dân.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, đến tháng 6-2016, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có tới gần 80 KCN. Các KCN đều được quy hoạch nằm sát sông Tiền và sông Hậu, lấy đi gần 15 nghìn ha cây ăn trái và đất lúa trù phú. Tuy nhiên, diện tích lấp đầy trong các KCN chỉ đạt khoảng 25%, hơn 11.000 ha đất còn lại chỉ để cỏ mọc, thậm chí nhiều KCN không thu hút được dự án đầu tư nào. TP Cần Thơ quy hoạch tám KCN, tổng diện tích 2.267 ha, nhưng mới cho thuê được 567 ha. Qua tìm hiểu, giá thuê đất KCN ở đây bình quân khoảng 80 USD/m2, trong khi những tỉnh ngay cạnh như Vĩnh Long, An Giang, giá cho thuê chỉ bằng một nửa, khiến việc thu hút đầu tư hết sức khó khăn.

Trước khi trở thành KCN, gần 430 ha đất lúa xã Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) vốn là bờ xôi, ruộng mật, có vị trí đắc địa bên bờ sông Cầu và chạy dọc tuyến quốc lộ 1. Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang giải phóng 230 ha để thành lập KCN Vân Trung, giao Công ty TNHH Fugiang (Ðài Loan, Trung Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 85 triệu USD, dự kiến thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, sân gôn, khách sạn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, công ty tạm dừng và cho đến giờ, dự án vẫn chỉ nhúc nhắc triển khai cầm chừng. Ðối với sáu KCN trên toàn tỉnh, tổng diện tích hơn 1.500 ha, mặc dù nguồn ngân sách của tỉnh phải bỏ ra rất lớn để hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, song do năng lực các nhà đầu tư yếu kém, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 15% đến 20%, gây lãng phí lớn về đất đai. Hiệu quả thu được từ các dự án phát triển KCN cũng rất thấp, quá nhỏ so với những gì địa phương bỏ ra đầu tư, chưa kể đến những tổn thất, lãng phí từ việc đất bỏ hoang và nền công nghiệp không thành hình.

Mong muốn sớm thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, nhiều địa phương đã tỏ ra thiếu thận trọng, nôn nóng mời gọi đầu tư nước ngoài bằng cách nới lỏng các điều kiện, đưa ra những chính sách ưu đãi đặc thù, thông thoáng quá mức. Thậm chí, một số tỉnh còn ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) được miễn giảm thuế hoặc chậm nộp thuế; được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ lãi suất vốn vay; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc; ưu đãi thuế thu nhập DN, miễn trong ba năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong bảy năm tiếp theo,... Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ý băn khoăn, với ưu đãi "kịch khung, vượt trần" như vậy, không hiểu DN nuôi địa phương hay địa phương đang nuôi DN.

Mọi chuyện chỉ dừng lại khi năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1387/QÐ-TTg, chấm dứt các ưu đãi trái pháp luật, vượt trội so với quy định của T.Ư mà 32 tỉnh, thành phố đã ban hành. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi tràn lan, ủng hộ DN quá mức của các tỉnh, thành phố trước đó đã kịp phát sinh hệ lụy về ô nhiễm môi trường, tiền trong nước "chảy ngược" ra nước ngoài,... Lợi dụng ưu đãi, một số DN nước ngoài đã đưa dây chuyền sản xuất cũ nát, lạc hậu vào đầu tư. Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, DN vay vốn ngân hàng để triển khai dự án, tài sản bảo đảm là giá trị quyền sử dụng đất và mớ dây chuyền cũ kỹ. Bỗng một ngày đẹp trời, địa phương té ngửa khi phát hiện DN đã cuốn gói bỏ về nước từ bao giờ, để lại một đống sắt hoen gỉ và món nợ khổng lồ.

Hệ lụy về kinh tế và đời sống xã hội

Theo báo cáo của VCCI, trong năm 2017có gần 40% số DN FDI báo lỗ, những địa phương là "điểm sáng" thu hút vốn FDI đồng thời cũng tỷ lệ thuận với số DN kê khai lỗ lên 50% đến 60% kéo dài trong nhiều năm liền. Năm 2010, hơn một nửa số DN ở Bình Dương báo lỗ, trong đó có 200 DN lỗ quá vốn chủ sở hữu. Tuy triền miên thua lỗ, nhưng điều lạ lùng là các DN vẫn không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực dệt may, xảy ra một nghịch lý, hầu hết DN may trong nước mặc dù vốn mỏng, thị trường hẹp nhưng đều có lãi, còn 90% số DN FDI ở TP Hồ Chí Minh có quy mô tầm cỡ quốc tế lại có kết quả kinh doanh khá bết bát. Một nghịch lý khác là các DN FDI luôn đứng trong tốp đầu về doanh thu, tỷ trọng xuất, nhập khẩu nhưng thường lẹt đẹt trong nhóm cuối bảng về khoản nộp thuế. Một chuyên gia của Kiểm toán Nhà nước cách đây ít lâu đã nêu tên một số DN FDI lớn như Coca Cola, Metro Việt Nam, Adidas Group, Big C, PepsiCo Việt Nam, Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty điện tử Meiko Việt Nam,... có nghi vấn chuyển giá, do các DN này thông báo lỗ kéo dài nhưng vẫn mở rộng đầu tư.

Bên cạnh đó, tính liên kết, tương tác của DN FDI với các khu vực khác trong nền kinh tế rất lỏng lẻo, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ thấp, không đạt mục tiêu kỳ vọng ban đầu. FDI trước đây từng được coi là động lực để kéo nhóm DN khối công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển sản xuất, nhưng thực tế hiện tại cho thấy đây vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. Mỗi năm, nước ta sản xuất từ 3,2 đến 3,5 triệu chiếc xe máy, khoảng 80% linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước nhưng phần lớn do DN FDI đảm nhiệm, trong nước mới cung ứng được ắc-quy, phụ tùng nhựa. Hãng Honda chiếm 60% sản lượng xe máy, có 110 DN vệ tinh cung cấp linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 20 DN trong nước lọt vào chuỗi. Samsung Việt Nam, một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất với quy mô đầu tư gần 20 tỷ USD, doanh thu hằng năm khoảng 65 tỷ đến 66 tỷ USD, nhưng chỉ có vài chục DN nội địa có thể đáp ứng yêu cầu trở thành đơn vị cung cấp linh kiện, phụ tùng. Tất nhiên, một phần nguyên nhân do lỗi từ phía DN Việt Nam ban đầu không mặn mà với việc cung ứng phụ liệu, linh kiện cho DN FDI.

Ông Nguyễn Phước Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (trong KCN Amata, Ðồng Nai) chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi có ý tưởng vào đầu tư ở Việt Nam, Toshiba đã đưa tiêu chí xây dựng chuỗi nguyên liệu ở Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa đến nay đạt 70%. Với đặc thù sản xuất động cơ điện, nguồn nguyên liệu của Toshiba là gang đúc, thép, ban đầu DN tính toán đặt nhà máy sản xuất ở miền bắc - cái nôi của công nghiệp thép, song khi liên hệ, Toshiba không nhận được cái bắt tay nào của DN cung ứng, nên đành chọn Ðồng Nai làm nơi đặt chân.

Thực tế thời gian qua, nhiều DN FDI lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư do vừa có ưu thế về giá nhân công rẻ và ưu đãi vượt khung, đồng thời lại không bị ràng buộc chặt chẽ những điều kiện qua các chuỗi liên kết với DN trong nước. Nếu sau này, khi ưu đãi không còn hấp dẫn, không có gì bảo đảm để giữ được chân nhà đầu tư, họ có thể dễ dàng rời bỏ để tìm những điểm đến ưu đãi hấp dẫn hơn. Trong nhiều năm, nguồn vốn FDI hầu hết chỉ dồn vào dệt may, da giày, những ngành thâm dụng lao động kỹ năng thấp, thuộc khâu gia công, lắp ráp cuối cùng. Ở khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã hình thành những xóm trọ nhỏ cho công nhân nhập cư làm việc ở Công ty sản xuất da giày Shyang Hung Cheng. Các phòng trọ có diện tích khoảng 12 đến 15 m2, lợp mái tôn hoặc tấm phi-brô xi-măng, buổi chiều nắng xiên khoai nóng hầm hập như cái lò bánh mì.

Tan ca làm gần 5 giờ chiều, chị Bùi Thị Hạnh, quê Hải Hậu (Nam Ðịnh), công nhân bộ phận phun keo của công ty xách mớ rau và lạng thịt, mệt mỏi lê bước về phòng trọ. Với mức lương khoảng 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng, sinh hoạt đắt đỏ, hằng năm chị tích cóp chẳng đáng là bao. Nghỉ sinh chưa đầy bốn tháng, dù rất xót con nhưng chị vẫn phải nhờ người trông để đi làm giữ chỗ. Không có thời gian chăm con, đứa bé thiếu sữa, hơn bảy tháng tuổi mà cân nặng chưa đầy 7 kg. Chị bảo, nhiều người như chị sẽ chọn cách bỏ việc về quê cấy lúa, nhưng chị thì không được vì quê chồng không còn ruộng. Những công nhân giày da, may mặc, hầu hết là những cô gái trẻ ở các vùng quê nghèo khó, bỏ đồng ruộng đi làm công nhân, nhưng cả tuổi thanh xuân chỉ được đào tạo duy nhất kỹ năng đứng máy tám đến mười tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sau dăm bảy năm lao động nặng nhọc, tiếp xúc đủ loại bụi vải, hóa chất độc hại, bị vắt kiệt sức khỏe, họ tính kế về quê, từ công nhân lại thành nông dân, "áo xanh thành áo nâu". Làn sóng hồi hương tuy không dữ dội nhưng cũng đủ sức nặng oằn vai những vùng quê nghèo.

Nếu nghĩ về tương lai xa, khoảng 20 đến 30 năm nữa, các KCN sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình, giải tán hoặc chuyển đổi công năng, lúc bấy giờ những công nhân trẻ hiện nay bước vào lứa tuổi ngoài 40. Họ không thể xin vào làm công nhân ở công ty nào nữa, một phần không đủ sức khỏe, mặt khác những DN gia công đơn thuần như hiện nay sẽ bị thanh thải phần lớn, lao động giản đơn như họ không còn phù hợp. Trở về quê, ruộng nương không còn nhiều, sản xuất nông nghiệp lúc đó có thể đã tiến một bước rất xa so với hiện nay, không cần con người chân lấm tay bùn, một nắng hai sương nữa. Trong tay không nghề nghiệp, không tài sản để dành, mang trong mình nhiều thứ bệnh tật, họ sẽ làm gì và sống ra sao? Ðó sẽ là viễn cảnh đáng băn khoăn suy nghĩ ở nhiều miền quê thời kỳ hậu công nghiệp mà các địa phương cần phải suy nghĩ, tính toán ngay từ bây giờ.

TÁI CẤU TRÚC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA CÁC DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP

Có thể khẳng định, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) thời gian qua của Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn lớn cũng như công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đóng gp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng, kim ngạch xuất - nhập khẩu, giải quyết việc làm,... Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tạo ra thế và lực mới cho các KCN, cần đặc biệt chú trọng những điều kiện nền tảng tạo động lực gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, đặt trong chiến lược dài hạn, bền vững của đất nước.

Đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội

7 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở cổng KCN đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng đóng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, nằm ven tỉnh lộ 359. Gần 10 năm trước, khi chưa hình thành KCN này, tuyến đường còn khá thưa thớt xe cộ, nhưng hiện nay, ngày nào cũng như ngày nào, vào mỗi buổi sáng, hàng nghìn xe máy cùng hàng trăm ô-tô chở công nhân từ các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định dồn về. Đoạn đường từ xã Tân Dương kéo dài đến thị trấn Núi Đèo thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, còn khu vực ngã ba rẽ vào KCN là cảnh giao thông hỗn loạn, người đi đường nghẹt thở vì khói bụi và tiếng còi xe inh ỏi. Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng Phạm Văn Mợi nhận xét: Số lượng lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn dao động khoảng 140 nghìn người, trong đó số người ngoại tỉnh chiếm 30%, đã nảy sinh những bất cập lớn về hạ tầng xã hội. Các vấn đề từ giao thông đi lại, nhà trọ, trường học, mẫu giáo,… đang là bài toán đặt ra hết sức cấp bách đối với chính quyền địa phương.

Ở tỉnh Đồng Nai, vòng xoay cổng 11 (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) một điểm đen về an toàn giao thông. Đây là điểm giao cắt của ba tuyến đường lớn gồm quốc lộ 51, đường Võ Nguyên Giáp và đường Bùi Văn Hòa, chu vi vòng xoay tại nút giao thiết kế quá lớn, các phương tiện phải chạy vòng, trong khi mật độ phương tiện trên đường Võ Nguyên Giáp rất cao, chỉ xao nhãng một chút là xảy ra tai nạn. Đường Bùi Văn Hòa là trục quan trọng của TP Biên Hòa dẫn vào cửa ngõ hai KCN Biên Hòa 2 và Long Bình. Mỗi ngày, vào giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện giao thông, trong đó có nhiều xe công-ten-nơ, xe tải nặng dồn ứ chật như nêm. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng còn thường xuyên xảy ra ở đường Bùi Hữu Nghĩa, hàng nghìn phương tiện của công nhân làm việc tại các KCN Amata, Long Bình, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2,… mỗi buổi sáng phải xếp hàng dài chờ đợi từ phường Trảng Dài ra đường Đồng Khởi.

Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cũng thẳng thắn thừa nhận: Hạ tầng xã hội của tỉnh chưa đồng tốc với phát triển công nghiệp. Một số địa bàn chung quanh các KCN đang quá tải về hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng kịp, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh. Số học sinh các cấp từ mẫu giáo đến trung học đều vượt chuẩn, thậm chí có nơi phải bố trí học ca 3. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ công nhân như chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí,… chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư bài bản gắn với địa bàn và nhu cầu thực tế của người dân.

Những hạn chế, bất cập về hạ tầng xã hội diễn ra bức xúc ở hầu hết các địa phương, cho thấy có tình trạng KCN “đẻ non”, chưa được chuẩn bị chu đáo, gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động và không đồng bộ với đầu tư các dự án thuộc ngành nghề khác liên quan, làm giảm hiệu quả phát triển. Do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp, rất ít DN để mắt đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Để giải quyết tình trạng này, các địa phương cần định hướng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước, tạo động lực thu hút đầu tư, đồng bộ môi trường đầu tư cả về cơ chế chính sách và hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư (ngân hàng, logistics,…) và các tiện ích xã hội (nhà trẻ, trường học, bệnh viện,...). Cần tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng KCN, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân” để phát triển KCN.

Tái cấu trúc các KCN

Trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh của Việt Nam, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch KCN mới, xây dựng mô hình phù hợp mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính bền vững. Các địa phương sớm triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập, với quan điểm định hướng đặt lợi ích quốc gia mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên trên hết. Chỉ đầu tư KCN ở những địa bàn có đủ điều kiện, lợi thế thấy rõ; hạn chế đến mức thấp nhất việc thành lập mới các KCN để tập trung thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho DN; hướng tới xây dựng thành các KCN chuyên ngành, giảm bớt KCN tổng hợp.

Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh) Trần Việt Hà cho biết, trong giai đoạn đầu, tại TP Hồ Chí Minh, các quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, thiếu chọn lọc dự án đầu tư, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp. Theo khảo sát, các dự án trong KCN chủ yếu là gia công như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thâm dụng lao động; các dự án FDI quy mô vốn dưới 5 triệu USD chiếm tới 73%. Thời gian qua, một số KCN gần nội thành TP Hồ Chí Minh đã tự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, các DN hoạt động kém hiệu quả, thâm dụng lao động, gây ô nhiễm,… chuyển nhượng lại nhà xưởng cho các DN, dự án khác có hiệu quả hơn. Tại KCN Tân Tạo, Lê Minh Xuân, 18 DN kém hiệu quả đã thanh lý nhà xưởng cho các DN khác thành lập dự án mới có cơ cấu ngành nghề theo hướng khuyến khích của thành phố. Đây là những trường hợp rất cần được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để có chính sách thúc đẩy chuyển đổi nhanh chóng hơn, làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai trong các KCN.

Việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai từ năm 2014 thí điểm khá thành công cũng là xu hướng được nhiều địa phương quan tâm. Đã có 72 DN tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình); Hòa Khánh (Đà Nẵng); Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ) tham gia. Kết thúc giai đoạn 1, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch đã tiết kiệm mỗi năm hơn 22 nghìn MW giờ điện, hơn 600 nghìn mét khối nước sạch,… trị giá hơn 6,5 triệu USD. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá, ý nghĩa của dự án không chỉ nằm ở những con số thống kê, mà là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, nhằm đạt được “mục tiêu kép”: tốc độ tăng trưởng cao và bền vững song song với bảo vệ môi trường. Với sự phát triển hiện nay, khoảng cách trung bình từ các KCN đến trung tâm đô thị ngày càng thu hẹp, nhiều KCN nằm trong trung tâm hoặc chỉ cách 5 đến 10 km. Tuy có lợi trước mắt về giao thông và nguồn nhân lực, nhưng tương lai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, áp lực đô thị hóa. KCN Cao - Xà - Lá (Cao-su, Xà-phòng, Thuốc lá) ở Hà Nội, KCN Biên Hòa 1 (Đồng Nai) đòi hỏi phải di dời nhà máy hoặc chuyển đổi công năng là tín hiệu khoảng 20 năm nữa, phải đóng cửa, chấm dứt hoạt động của các KCN. Đây là vấn đề không dễ giải quyết đối với các tỉnh, thành phố về sau.

Về quy hoạch, cần rà soát, ưu tiên phát triển KCN, KKT ở các địa phương trung tâm kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện, còn ngược lại nên giảm, không nên quy hoạch tràn lan theo hướng tỉnh nào cũng có KCN, không những không thu hút được đầu tư, lãng phí đất đai, nhân lực, mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Một số chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm cần nghiên cứu, xây dựng các thành phố công nghiệp mới ở những vùng đất không có khả năng phát triển nông nghiệp như khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi và miền trung theo mô hình thành phố công nghiệp Hyundai, Hàn Quốc.

Hiện, cơ chế, chính sách liên quan KCN tuy đã nhiều lần điều chỉnh hoàn thiện hơn, song chưa thật sự đầy đủ và phù hợp. Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên đánh giá: Quy định về quản lý, đầu tư phát triển các KCN, KKT thực hiện theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thay thế tất cả các nghị định liên quan trước đó. Việc quản lý nhà nước về KCN của địa phương đang gặp nhiều lúng túng do phải chờ các thông tư hướng dẫn vì có quá nhiều bộ, ngành quản lý khác nhau. Mặt khác, các quy định tại nghị định cũng dễ dàng bị các luật, nghị định chuyên ngành khác thay thế, nên tính pháp lý không cao, thiếu ổn định và nhất quán, khiến môi trường đầu tư trong KCN, KKT biến động, ảnh hưởng tâm lý và hoạt động của DN nước ngoài.

Trong quá trình chúng tôi đi khảo sát, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một luật riêng áp dụng cho KCN, KKT nhằm giảm bớt sự “chắp vá chính sách”, tạo hành lang pháp lý thống nhất và hoàn chỉnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ T.Ư tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch. Theo quy định, Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về KCN, KKT tại địa phương nhưng thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành như quản lý xây dựng, môi trường, lao động, xuất, nhập khẩu, đất đai,… trong KCN, KKT của Ban Quản lý phải được ủy quyền, hướng dẫn tại pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành không hướng dẫn ủy quyền cho Ban Quản lý hoặc ủy quyền lại không thống nhất với quy định về KCN, KKT. Vì thế, việc thực hiện quản lý nhà nước về KCN, KKT không tập trung tại một đầu mối là các Ban Quản lý. Mặt khác, Ban Quản lý không được giao chức năng, nhiệm vụ về thanh tra. Khi phát hiện vi phạm trong KCN, KKT, Ban Quản lý không tự thanh tra, xử phạt mà chỉ phối hợp bộ phận thanh tra chuyên ngành để triển khai; trong khi thanh tra chuyên ngành không đủ bộ máy nhân lực để xử lý kịp thời các vi phạm trong KCN, KKT. Điều này làm giảm vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý KCN, KKT.

Trước thực tế hiện nay để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò hoạt động của các KCN, KKT đối với nền kinh tế, bộ máy quản lý nhà nước ở cấp T.Ư và địa phương cần thiết được kiện toàn lại theo hướng giảm bớt đầu mối quản lý nhà nước về KCN. Tại các địa phương, thống nhất một đầu mối theo dõi, quản lý nhà nước về hoạt động của KCN, KKT. Cơ quan này phải được tăng cường chức năng, nhiệm vụ toàn diện, ổn định, bảo đảm đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng “một cửa, một đầu mối”, tương xứng với vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của các KCN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Bài phân tích được VIZ tổng hợp từ nhiều nguồn. Quý độc giả tham khảo thận trọng. VIZ không chịu trách nhiệm với bất cứ hậu quả kinh tế và pháp lý nào do việc Quý độc giả dẫn chiếu tư liệu và nội dung bài viết này!